Gói hỗ trợ ngư nghiệp ưu tiên cho ai sống chết bám biển
Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Gói hỗ trợ ngư nghiệp mà nhà nước triển khai gần đây tuy khá lớn nhưng lại có hạn, nên nó đang chỉ được ưu tiên dành cho những ngư dân và doanh nghiệp đánh bắt cá sống chết với nghề bám biển tới cùng.
Sở dĩ có nội dung phát biểu này từ phía đại diện chính sách bởi gói ưu đãi rất hấp dẫn và hỗ trợ lớn cho người đánh bắt cá nên một vài doanh nghiệp thuộc phần chế biến cũng muốn có được sự hỗ trợ này từ chính sách mới, blog tin tức Kinh Địa nghĩ rằng điều này cũng dễ hiểu vì doanh nghiệp chế biến cũng có lòng cùng chung sức với ngư dân bám biển theo đuổi nghề cá.Dù sao thì gói hỗ trợ cần được đưa đến đúng người và dùng đúng mục đích một cách sâu sát nhất, đưa tin về điều này trên trang VnExpress đã đăng bài Doanh nghiệp muốn hưởng ưu đãi phải sống chết với nghề cá với nội dung như sau:
Bày tỏ sự trân trọng việc nhiều doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực đánh cá xa bờ, song Bộ trưởng Cao Đức Phát nói rằng gói hỗ trợ lần này phải ưu tiên cho người “hiểu và muốn sống chết với nghề cá”
Quan điểm này được người đứng đầu Bộ Nông nghiệp đưa ra để trả lời kiến nghị của một số doanh nghiệp tại Hội nghị triển khai chính sách phát triển thủy sản, diễn ra ngày 22/8 tại Khánh Hòa. Trao đổi với các thành viên Chính phủ, trong đó trực tiếp có Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, hầu hết doanh nghiệp, ngư dân đều quan tâm tới vấn đề tiêu chuẩn, đối tượng được hưởng ưu đãi, nhất là gói 4.500 tỷ đồng cho đánh bắt đánh bắt xa bờ mà cơ quan chức năng dự kiến.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công ty chế biển thủy sản Việt Trường (Hải Phòng) cho hay, từ nhiều năm qua, đơn vị này đã tiến hành thu mua của bà con ngư dân ở tận ngư trường. Do đó, khi nghe chính sách ưu đãi nhằm phát triển thủy sản thì công ty rất muốn tiếp cận để sắm thêm tàu dịch vụ, sát cánh cùng người đánh bắt. “Tuy nhiên, quy định hỗ trợ dịch vụ hậu cần nghề cá chỉ cho doanh nghiệp khai thác thôi, còn doanh nghiệp chế biến thu mua như chúng tôi liệu có được tham gia”, bà Thanh băn khoăn.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP
Ông Lê Thế Trung, một ngư dân đến từ tỉnh Phú Yên cũng cho rằng tàu dịch vụ đang rất thiếu cho đánh bắt xa bờ, vì vậy cần đẩy mạnh phát triển loại tàu này. Đại diện thành phố Đà Nẵng thì cho hay số lượng người dân tham gia đóng loại tàu sẽ không nhiều mà chủ yếu là các thương nhân. Do vậy, cần có tiêu chí rõ ràng để xét duyệt.
Bà Thanh nhận định, dự thảo của Bộ Nông nghiệp nói số tàu dịch vụ đóng mới không quá 250 chiếc là quá ít. Nếu chia theo vùng thì e rằng tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh hạn mức sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu cho các nhà máy chế biến.
Thực tế, sau khi Nghị định 67 được ban hành hồi tháng 7, rất nhiều doanh nghiệp, thương nhân không có thâm niên đánh bắt cá đều đã bày tỏ ý định vay vốn đóng tàu hậu cần, như trường hợp của các công ty Trí Việt, Đức Khải.
Thế nhưng, trả lời kiến nghị của đại diện Việt Trường, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay chính sách hỗ trợ tàu dịch vụ thì Nghị định 67 không áp dụng cho chế biến, thu mua về hải sản mà chỉ cho chủ tàu, doanh nghiệp hoạt động nghề cá.
Trong khi đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ, đi cùng với việc khuyến khích đánh bắt xa bờ thì chuyện phải tăng cường chất lượng hải sản bằng việc bảo quản, đưa về ngay đất liền là vô cùng cấp thiết. Do đó, Bộ mong muốn và trân trọng những nỗ lực của các doanh nghiệp lớn như công ty chế biến Việt Trường. Tuy nhiên, theo ông, chính sách lần này vẫn phải tập trung ưu tiên cho những người sống chết với nghề cá, hiểu nghề cá.
Dẫu vậy, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý, Chính phủ muốn phát triển tàu dịch vụ rồi đưa vào các tổ, đội thì là để thay đổi phương thức sản xuất của ngư dân, nhưng cũng cần cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.
Liên quan đến thiết kế mẫu tàu, báo cáo của Hội đồng Tư vấn thẩm định kỹ thuật cho hay đã xét duyệt tổng cộng 66 mẫu tàu của các đơn vị đóng tàu và đã chọn ra được 21 mẫu tàu cho 5 nhóm nghề: Câu, rê, vây, chụp và dịch vụ hậu cần ở 4 vùng biển trong nước.
Tuy nhiên, theo ông Châu Thông Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Cà Mau, hiện chỉ có mẫu thiết kế tàu thì vỏ thép mà chưa thấy có tàu vỏ gỗ. “Trong khi ngư dân miền Tây chỉ thích tàu vỏ gỗ thôi. Họ không biết tàu sắt như thế nào mà buộc họ tham gia thì không được, cho nên phải có thí điểm”, ông Bằng đề nghị.
Tương tự, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích cũng cho biết địa phương này mới tiếp nhận tàu sắt và và đi biển được vài chuyến. Cho nên cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả của mô hình này.
Chia sẻ với băn khoăn của các địa phương, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý việc đóng tàu sắt phải vừa khuyến khích đồng thời hỗ trợ cả với ngư dân đóng mới, sửa chữa tàu gỗ công suất lớn. “Mô hình như thế nào thì địa phương phải chủ động, người dân phải được tham gia thiết kế mẫu, làm sao để đảm bảo hiệu quả kinh tế”, Phó thủ tướng nói.
Thoạt nghe có vẻ gượng ép bắt buộc, song nó không phải như vậy, chỉ những người thực tâm với nghề, bám biển bất chấp nguy hiểm mới xứng đáng có được những ưu đãi và hỗ trợ tốt nhất, và cũng một phần vì ngân sách nhà nước không phải vô hạn và cần chi dùng và hỗ trợ cho nhiều ngành nghề và vấn đề cấp thiết khác.
Địa Tướng
Bài liên quan