Hà Nội sẽ đốn bỏ nhiều cổ thụ vì đường sắt trên cao
Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Theo thông báo của Sở Xây dựng Hà Nội thì sắp tới hàng loạt cây cổ thụ trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú sẽ bị đốn bỏ vì công trình đường sắt trên cao.
Nguyên nhân được đưa ra là để đảm bảo an toàn cho người đi đường và cả công trình đường sắt trên cao đang được tiến hành tại thủ đô Hà Nội, tuy nhiên lý do chính phần nhiều là tránh cản trở công trình hơn là vì an toàn của người tham gia giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú bởi xà cừ là loại cây bám rể rất chắc nên trước kia được người Pháp chọn để trồng trong đô thị, việc lo sợ cành gãy rơi gây nguy hiểm vốn có thể quản lý phòng tránh tốt bằng việc cắt tỉa. Bên cạnh đó, Hà Nội là thành thị thuộc dạng "đất chật người đông" nhất cả nước, hè về thời tiết đã nóng sẽ càng nóng hơn, nếu vắng đi loạt cây cổ thụ trên tuyến đường này thì trong tương lai nhiệt độ sẽ càng cao hơn, quạt và điều hòa phải dùng nhiều hơn, hao tốn lớn hơn chi phí vận hành chúng, chưa kể sức khỏe người dân bởi chẳng phải ai cũng có thể dùng máy điều hòa.
Trên báo VnExpress đã có bài đăng tải về thông báo này với tựa đề Hà Nội sẽ chặt hết xà cừ đường Nguyễn Trãi - Trần Phú, nội dung như sau:
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đường sắt trên cao và người tham gia giao thông, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết từ nay đến 15/2 sẽ chặt hạ toàn bộ cây cổ thụ trên tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) - Trần Phú (quận Hà Đông).
Ông Hoàng Nam Sơn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên dải phân cách giữa đường Nguyễn Trãi - Trần Phú còn 146 cây xà cừ, trong đó 123 cây có đường kính lớn hơn 50 cm, cao từ 14 đến 20 m. Các cây này chủ yếu phát triển nghiêng về phía đường sắt đô thị và có thể gây nguy hiểm nếu bị gãy đổ.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đường sắt đô thị và người tham gia giao thông, Sở Xây dựng đã được thành phố cho phép chặt hạ toàn bộ gần 150 cây xà cừ trên. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/2.
Đầu tháng 11/2014, hàng chục cây xà cừ ở đường Nguyễn Trãi đã được chặt hạ để phục vụ xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phương Sơn.
Trưởng phòng Quản lý hạ tầng môi trường công trình ngầm (Sở Xây dựng) Trần Trọng Hiếu cho biết thêm, sau khi chặt hạ cây, phần dải phân cách giữa sẽ bị xóa bỏ để làm đường đi cho xe cơ giới. Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đã có phương án trình thành phố, trong đó làn xe gần vỉa hè dành cho xe máy, xe thô sơ; làn bên ngoài dành cho ôtô.
Dù xà cừ được trồng ở Hà Nội gần 100 năm nay và phần lớn có đường kính trên 50 cm, nhưng ông Hiếu khẳng định: "Đây không phải là loại cây đô thị vì cây to, lại có rễ chùm nông nên hàng xà cừ hai bên đường phố Hà Nội rất nguy hiểm cho người dân cũng như tuyến đường sắt trên cao".
Trước khi trình thành phố chặt hạ hàng xà cừ trên đường Nguyễn Trãi - Trần Phú, Sở Xây dựng đã tính đến nhiều phương án, như cắt ngọn để hạ chiều cao, dịch chuyển sang địa điểm khác… Nhưng các phương án đó vẫn không ổn vì hàng cây nếu để lại tuyến đường vẫn ảnh hưởng lớn đến giao thông, còn nếu dịch chuyển sang địa điểm khác thì kinh phí rất lớn. Sau khi chặt hạ, cơ quan liên ngành sẽ kiểm định chặt chẽ khối lượng gỗ và tổ chức bán đấu giá.
Toàn thành phố Hà Nội hiện có trên 5.000 cây xà cừ được trồng từ thời Pháp, tập trung ở một số tuyến phố lớn như Kim Mã, Nguyễn Trãi, Quang Trung… cây dễ gãy đổ vào mùa mưa bão nên Sở Xây dựng đang thay thế dần hệ thống xà cừ trên các tuyến đường.
Cũng ngay trong trang bài báo ở trên của VnExpress thì đa số ý kiến đọc giả đều nghi ngại hệ quả sau này của việc đốn bỏ hàng chục cây xà cừ, thời tiết vào hè là nỗi lo lớn nhất của bạn đọc, ai từng ở Hà Nội vào mùa hạ sẽ hiểu được cái nóng oi bức đến đáng sợ của thủ đô khi ấy, thiếu vắng cây xanh che mát điều tiết nhiệt độ thành thị thì tuyệt đối là một hiểm họa không hề nhỏ, trong bài báo ở trên không thấy nói gì nhiều về khoản khắc phục mảng này sau khi chặt bỏ loạt cổ thụ kia.
Địa Tướng
Bài liên quan