Đánh giá thị trường Việt Nam ngày càng dễ kinh doanh
Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Theo Ngân hàng thế giới, môi trường ở Việt Nam ngày một dễ dàng hơn để kinh doanh, vì vậy được thăng hạng đến 14 bậc.
Ở đây chúng ta chỉ đang nói đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam chứ không đề cập đến việc minh bạch hay công bằng liên quan trong lĩnh vực này. Nếu chỉ tính về mức độ dễ dàng để thành lập doanh nghiệp, mở hàng quán hay đi buôn thì rõ là nước ra khá dễ dàng, nhưng về mặt quản lý thì rất khó nói, còn nhiều góc khuất.
Dù sao đi nữa hãy xem đánh giá của thế giới ra sao qua bài "Việt Nam tăng 14 bậc về môi trường kinh doanh" đăng trên VnExpress về môi trường kinh doanh tại nước ta:
Việt Nam xếp thứ 68 trên tổng số 190 quốc gia được Ngân hàng Thế giới khảo sát về mức độ dễ dàng kinh doanh.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Khảo sát Môi trường Kinh doanh toàn cầu – Doing Business 2018. Trong 190 quốc gia được đánh giá, Việt Nam đứng vị trí thứ 68, tăng so với hạng 82 năm ngoái.
Trong khảo sát năm nay, WB đánh giá các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí, gồm Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Nộp thuế, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng, Đăng ký tài sản, Vay vốn và Xử lý khi mất khả năng thanh toán.
Với Việt Nam, những lĩnh vực được đánh giá có cải tổ, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là Tiếp cận điện năng, Vay vốn, Nộp thuế, Giao thương quốc tế và Thực thi hợp đồng. 10 lĩnh vực của Việt Nam có thứ hạng trong khoảng 20-129. Được đánh giá cao nhất vẫn là Xin giấy phép Xây dựng (xếp thứ 20), và thấp nhất là Xử lý khi mất khả năng thanh toán (129).
Việt Nam xếp thứ 69 trên thế giới về môi trường kinh doanh. Ảnh: Reuters
Với đối tượng tiêu chuẩn là một công ty TNHH tại TP HCM, WB chỉ ra tổng số thủ tục hành chính công ty này phải thực hiện (để thành lập và vận hành) là 10. Với tiêu chí được đánh giá cao nhất - Xin giấy phép xây dựng, số thủ tục cần hoàn thành cũng tương tự.
Năm nay, Việt Nam có 5 cải cách. Nếu tính trong vòng 15 năm qua, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia thực hiện nhiều cải cách nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, với 39 mỗi nước.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm ở khoảng giữa. Xếp trên là Singapore (2), Malaysia (24) và Thái Lan (26).
Đứng vị trí số một năm nay vẫn là New Zealand. Theo sau là Đan Mạch, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc hay Ấn Độ đều thăng hạng
Báo cáo của WB đánh giá các nền kinh tế trên thế giới đều đang thực hiện các cải tổ để giúp việc kinh doanh đơn giản hơn. Tuy nhiên, châu Âu và Trung Á sẽ tiếp tục là khu vực có tỷ lệ các nước cải tổ nhiều nhất. Theo thống kê của WB, 190 nền kinh tế đã thực hiện 264 cải tổ trong một năm qua, chủ yếu tập trung giảm tính phức tạp và chi phí hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp và vay vốn.
Dù sao đi nữa thì với mội trường kinh doanh như thế này thì ai có mộng làm giàu cũng dễ dàng tiến lên với ước mơ bằng con đường thương mại. Dĩ nhiên chẳng phải ai cũng thành công và khi phát triển đến mức nào đó sẽ gặp nhiều trở ngại ngầm, những "luật bất thành văn" khi "giao tiếp" với bên quản lý thị trường, lúc đó phải xem "sự hiểu biết" của bạn đến đâu hoặc quan điểm kinh doanh thế nào?
Thanh Thái
Bài liên quan