Vụ hàng giả ở Khaisilk tiếp tục bị điều tra
Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Không dừng lại ở đại lý Khaisilk nơi phát hiện ra hàng giả, chính quyền còn tiếp tục điều tra ở nhiều chi nhánh khác.
Vấn đề hàng nhái hàng giả ở Việt Nam khá nhức nhối, phải nói là tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, ở các chi nhánh hay đại lý của những thương hiệu nổi tiếng hầu như đều bán hàng thật của hãng, hiếm khi xảy ra tình trạng tuồn hàng Trung Quốc vào rồi gắn mác của thương hiệu mình mà bán ra cho khách như chuyện vừa bị bóc mẻ ở Khaisilk, có thể vì vậy mà cơ quan chức năng làm khá căng.
Để rõ hơn về tin tức này, mời đọc bài "Mở rộng điều tra vụ Khaisilk" đăng trên VnExpress như sau:
Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra Công ty TNHH Khải Đức tại TP HCM và các chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Công Thương vừa ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan tới vụ Khaisilk bán hàng Việt gắn mác "Made in China”.
Đoàn sẽ kiểm tra Công ty TNHH Khải Đức (trụ sở chính số 2 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM) và các chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cho biết, đoàn có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật có liên quan, phát hiện và xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật tại Khaisilk. Đồng thời sẽ báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp quản lý lên cơ quan có thẩm quyền.
Đoàn kiểm tra sẽ do ông Trịnh Anh Tuấn - Phó cục trưởng phụ trách Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) làm trưởng đoàn, gồm các thành viên thuộc cơ quan: thuế, Bộ Khoa học công nghệ, cơ quan điều tra công an, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, cùng các cơ quan trực thuộc Bộ... Cục Quản lý thị trường làm đầu mối làm việc với Tập đoàn Khải Đức.
Sẽ mở rộng kiểm tra, điều tra vụ Khaisilk
Bên hành lang Quốc hội cùng ngày, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo báo cáo tổng hợp của các lực lượng chức năng, các chứng cớ... cho thấy hành vi của một doanh nghiệp lớn như Khaisilk và cửa hàng kinh doanh sản phẩm của Khaisilk, từ việc làm giả nhãn mác cho những sản phẩm tiêu thụ, làm hại đến lợi ích của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật, để lại nhiều hệ lụy khác nhau.
"Xét từ nhiều khía cạnh, ngoài thẩm định giá, chúng tôi thấy đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Vụ việc cũng đã đủ căn cứ, điều kiện để chuyển cơ quan chức năng điều tra kinh tế để làm rõ, do thiệt hại vi phạm đã vượt 30 triệu đồng", ông nói.
Ngoài ra, Bộ Công thương nhận thấy có sự phức tạp trong mối liên hệ giữa Tập đoàn Khaisilk và các cửa hàng trực thuộc của tập đoàn này, cũng như các cửa hàng ở 113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong việc kinh doanh sản phẩm có nhãn mác giả.
"Cho nên cần phải có lực lượng chức năng đủ thẩm quyền, năng lực để làm rõ tính chất vi phạm thông qua các hoạt động mang tính chất kinh doanh như thế này. Chính vì thế, chúng tôi đã chỉ đạo Quản lý thị trường chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ", ông Tuấn Anh nói thêm.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Quản lý Thị trường đã yêu cầu các chi cục quản lý thị trường Hà Nội, TP HCM kiểm tra mở rộng những dấu hiệu kinh doanh gian lận của hệ thống Khaisilk ở Hà Nội, TP HCM cũng như ở các khách sạn, resort 5 sao ở các địa phương.
Thông tin từ Phó giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội - ông Chu Xuân Kiên, hiện Chi cục đã chuyển hồ sơ vụ Khaisilk đến cơ quan điều tra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC460) - Công an Hà Nội để mở rộng điều tra các vi phạm về sản xuất hàng hóa cũng như các vấn đề về thuế, bất động sản của Khaisilk.
Trong diễn biến liên quan, cơ quan hải quan cho biết cũng đã vào cuộc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc việc nhập lụa Trung Quốc của Khaisilk.
Vụ việc này được xem như gian lận thương mại với trị giá rất lớn, hoặc ít nhất có dấu hiệu như thế. Vì vậy, cũng khó mà bênh vực được gì cho Khaisilk nếu họ bị thiệt hại nặng nề, thậm chí phá sản vì vụ bê bối này. Ngoài ra, liệu bên quản lý thị trường sẽ làm đúng chức trách hay không khi bấy lâu nay ai cũng hiểu một điều - phần đông cán bộ của cơ quan này có dấu hiệu sách nhiễu doanh nghiệp để "kiếm thêm".
Thanh Thái
Bài liên quan